Mùa hồng bì - đi qua thương nhớ
(TTO) - Chúng tôi đến đó đúng vào mùa hồng bì. Có lẽ đó cũng là những chùm hồng bì ngon nhất trong cuộc đời tôi từng thưởng thức. Những chùm quả ngọt ngào như tình cảm đôi vợ chồng bên suối Mu dành cho khách đường xa.
< Mùa hồng bì mới hái.
Hủy lên hủy xuống chương trình Ngọc Sơn - Ngổ Luông với câu lạc bộ xe Dirtbike, đến phút cuối cùng lại vẫn có cơ hội khoác balô lên đường. Quá lâu mới lại có một chuyến đi với những người lạ, phần nhiều là ít quen. Như một chuyến đi tìm về quá khứ, về một thời ta đã từng đi.
Điểm đến là đoạn dưới của Thác Mu, thuộc địa phận xã Tự Do, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Đồng bào ở đây đã biết làm du lịch cộng đồng trong ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ với chăn thổ cẩm, đệm bông lau.
< Bên bờ suối Mu.
Đường vào chốn này còn khó khăn và cọc cằn đá sỏi, nhưng không ngăn được những trái tim xê dịch luôn muốn được thắp lên ngọn lửa của những con đường. Trốn phố lên rừng và đến đây rồi mới hiểu vì sao phía tây biên giới phía Bắc, dọc từ Hòa Bình xuống Thanh Hóa, lại hấp dẫn khách du lịch Tây balô đến thế.
Cảnh sắc núi rừng và hơi thở của bản làng có một sức quyến rũ kỳ lạ, khiến ai đã tới rồi cũng mong có ngày quay lại. Hẳn là, ai cũng đã từng cất trong lòng những cảm xúc của bình an.
Đang mùa hồng bì. Ngoài quốc lộ hay tận thủ đô, hồng bì được bán tràn lan, giá không quá đắt và là một món quà được cánh chị em ưa thích. Một loại quả chua chua, ngòn ngọt, lại có tác dụng chữa nhiều loại bệnh như giải cảm, giảm sốt, chữa viêm họng, khó tiêu.
Ngày trước tôi vẫn hay nói đùa với bạn mình rằng quất hồng bì là loại quả “n” trong một, chỉ cần ăn một quả thôi là tha hồ cảm nhận đủ vị ngọt, bùi, đắng, cay, chua, chát. Quả thật, nếu thử một lần nhai dập trọn vẹn một quả quất hồng bì bao gồm cả hạt mà xem!
< Cây hồng bì in trên nền trời.
Chạy sang bên kia suối nhờ nấu đồ ăn sáng, lúc về bạn dúi vào tay một chùm hồng bì lúc lỉu, quả vàng ươm, bóng mượt, nho nhỏ xinh xinh chứ không to tròn như hồng bì Hà Nội, lại đẹp như màu nắng trong chứ không có vẻ nâu nâu của thứ quả đã hái khỏi cành lâu ngày.
Sau cơn mưa đêm trước, nước vẫn còn ướt sũng trên những tán cây loang loáng mà nắng thì đã nhuộm vàng ruộm cả khoảng trời. Ngó quanh bản, đâu cũng thấy hồng bì, mỗi nhà ít cũng vài cây, nhiều thì hàng chục.
Những chùm quất hồng bì vươn mình đong đưa giữa đám lá xanh rịt, trên cao nữa là bầu trời “như rút ruột mà xanh”.
Người Mường gọi quất hồng bì là quả nhâm, chính xác tiếng dân tộc Mường gọi là quả goòng. Chị Phối ở nhà sàn Suối Mu lấy làm lạ lắm, khi tôi cứ rối rít gọi tên “quất hồng bì”.
Thấy tôi say sưa với chùm quả bên ô cửa sổ nhà sàn, nơi mà cánh cửa gỗ với những bông hoa màu mở ra một thế giới an nhiên của núi rừng tây bắc, anh bạn liền nhờ chủ nhà đi lấy keo nèo hái thêm cho vài chùm.
< Người Mường gọi (quất) hồng bì là quả nhâm hay quả goòng.
Keo nèo là một cây gậy dài có móc, dùng để kéo dài cánh tay cho người hái, bởi hồng bì mọc thành chùm ở tận tít ngọn cành, ngọn cây, nên phải nối tay kéo chùm quả lại gần mà hái.
Cứ như một trò chơi trẻ con, chị Phối cầm kèo nèo hái từng chùm đưa vào cho tôi qua ô cửa sổ, tôi ở bên trong nhà lại gỡ chùm quả ra mắc vào thang gỗ, rồi lại đợi một chùm quả mới trên tay kèo đưa vào.
Vừa xếp, vừa bày, vừa ăn như đang chơi đồ hàng, vừa nhớ mùi hồng bì trong một trang sách đã đọc, “nó xộc vào mũi, hơi cay cay, thoáng một chút hăng hắc nhưng không đáo để như mùi vỏ cam, vỏ quất”.
Thứ mùi bí ẩn ấy thoảng nhanh qua khứu giác, đánh thức chút tình cảm ngủ yên trong sâu thẳm đáy lòng đã bao ngày.
Tôi chỉ bừng tỉnh khi nghe tiếng bạn và chị chủ nhà gọi bên dưới nhà sàn, nơi đám trẻ con đang ríu rít lao xao. Vội xuống cầu thang, đã thấy trên mặt bàn gỗ dăm chùm hồng bì vẫn còn nguyên cành lá.
< Chùm quất hồng bì vừa mới hái.
Chị Phối hỏi chừng đã đủ chưa. Tôi vừa khẽ khẽ nói chị bán cho em thêm nữa đi thì bạn quay ngay sang mắng, đừng có nói chuyện mua bán, đồng bào không thích thế đâu, có thích thì cho.
Chị Phối cũng cười cười bảo, quả goòng nhiều lắm, không ai ăn, có thích thì cho thôi. Dứt lời thì anh chồng mới đi ngoài ruộng về, vai đeo gùi, tay cầm dao, áo bảo hộ lao động ướt mồ hôi. Chị Phối nhờ anh lên cây hái cho nhanh.
Tôi bối rối quá, chưa kịp nghĩ xem mình muốn mang bao nhiêu chùm hồng bì về phố thì anh chồng thoắt cái đã ở trên cây cao, dùng dao chặt cả cành to như cổ tay, rồi từ từ thả xuống gốc. Mọi người vội vã ngắt những chùm quả lúc lỉu xếp lên bàn gỗ, cành nọ cành kia, thoáng cái đã đầy ắp một bàn.
< Bên ô cửa sổ nhà sàn mở ra cả khoảng trời Tây bắc.
Tôi vừa loay hoay giữa bàn hồng bì vừa hỏi chặt cành như thế có sao không thì anh bảo chặt đi cho cây lại mọc ra cành mới. Anh cũng dặn vợ đừng ngắt lá đi, để nguyên lá giữ cho quả được tươi ngon, rồi với sang dặn khách trước khi lại xách gùi ra ruộng, cô mang về nhớ để vào tủ lạnh, ăn sẽ lại càng ngon.
Đó có lẽ sẽ là những chùm hồng bì ngon nhất trong cuộc đời tôi từng thưởng thức. Ngọt ngào như tình cảm của đôi vợ chồng bên suối Mu dành cho khách đường xa. Cay cay như giọt nước mắt chực trào ra trên mi tôi khi đứng ngẩn ngơ trước một bàn hồng bì quà tặng. Chua chua, chát chát, đắng đắng như tình yêu tưởng đã quên rồi lại thức dậy trong mùi hồng bì...
Tôi đã không còn đếm nữa, những tháng ngày thương nhớ. Lúc này đây, tôi chỉ muốn được ngày đêm ngồi bên cửa sổ, nghe tiếng suối Mu chảy róc rách quanh nhà, vườn tược cây cối xanh um, tiếng gà quang quác gáy trưa, tiếng trẻ nhỏ nô đùa dưới sàn, tiếng lợn ụt ịt trong chuồng. Lòng không muốn rời đi...
Mùi hồng bì lại thoảng nhanh qua khứu giác. Trong cuộc đời này “có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau?”(*)...
(*)Thơ của tác giả Nguyễn Phong Việt
< Mùa hồng bì mới hái.
Hủy lên hủy xuống chương trình Ngọc Sơn - Ngổ Luông với câu lạc bộ xe Dirtbike, đến phút cuối cùng lại vẫn có cơ hội khoác balô lên đường. Quá lâu mới lại có một chuyến đi với những người lạ, phần nhiều là ít quen. Như một chuyến đi tìm về quá khứ, về một thời ta đã từng đi.
Điểm đến là đoạn dưới của Thác Mu, thuộc địa phận xã Tự Do, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Đồng bào ở đây đã biết làm du lịch cộng đồng trong ngôi nhà sàn khang trang, sạch sẽ với chăn thổ cẩm, đệm bông lau.
< Bên bờ suối Mu.
Đường vào chốn này còn khó khăn và cọc cằn đá sỏi, nhưng không ngăn được những trái tim xê dịch luôn muốn được thắp lên ngọn lửa của những con đường. Trốn phố lên rừng và đến đây rồi mới hiểu vì sao phía tây biên giới phía Bắc, dọc từ Hòa Bình xuống Thanh Hóa, lại hấp dẫn khách du lịch Tây balô đến thế.
Cảnh sắc núi rừng và hơi thở của bản làng có một sức quyến rũ kỳ lạ, khiến ai đã tới rồi cũng mong có ngày quay lại. Hẳn là, ai cũng đã từng cất trong lòng những cảm xúc của bình an.
Đang mùa hồng bì. Ngoài quốc lộ hay tận thủ đô, hồng bì được bán tràn lan, giá không quá đắt và là một món quà được cánh chị em ưa thích. Một loại quả chua chua, ngòn ngọt, lại có tác dụng chữa nhiều loại bệnh như giải cảm, giảm sốt, chữa viêm họng, khó tiêu.
Ngày trước tôi vẫn hay nói đùa với bạn mình rằng quất hồng bì là loại quả “n” trong một, chỉ cần ăn một quả thôi là tha hồ cảm nhận đủ vị ngọt, bùi, đắng, cay, chua, chát. Quả thật, nếu thử một lần nhai dập trọn vẹn một quả quất hồng bì bao gồm cả hạt mà xem!
< Cây hồng bì in trên nền trời.
Chạy sang bên kia suối nhờ nấu đồ ăn sáng, lúc về bạn dúi vào tay một chùm hồng bì lúc lỉu, quả vàng ươm, bóng mượt, nho nhỏ xinh xinh chứ không to tròn như hồng bì Hà Nội, lại đẹp như màu nắng trong chứ không có vẻ nâu nâu của thứ quả đã hái khỏi cành lâu ngày.
Sau cơn mưa đêm trước, nước vẫn còn ướt sũng trên những tán cây loang loáng mà nắng thì đã nhuộm vàng ruộm cả khoảng trời. Ngó quanh bản, đâu cũng thấy hồng bì, mỗi nhà ít cũng vài cây, nhiều thì hàng chục.
Những chùm quất hồng bì vươn mình đong đưa giữa đám lá xanh rịt, trên cao nữa là bầu trời “như rút ruột mà xanh”.
Người Mường gọi quất hồng bì là quả nhâm, chính xác tiếng dân tộc Mường gọi là quả goòng. Chị Phối ở nhà sàn Suối Mu lấy làm lạ lắm, khi tôi cứ rối rít gọi tên “quất hồng bì”.
Thấy tôi say sưa với chùm quả bên ô cửa sổ nhà sàn, nơi mà cánh cửa gỗ với những bông hoa màu mở ra một thế giới an nhiên của núi rừng tây bắc, anh bạn liền nhờ chủ nhà đi lấy keo nèo hái thêm cho vài chùm.
< Người Mường gọi (quất) hồng bì là quả nhâm hay quả goòng.
Keo nèo là một cây gậy dài có móc, dùng để kéo dài cánh tay cho người hái, bởi hồng bì mọc thành chùm ở tận tít ngọn cành, ngọn cây, nên phải nối tay kéo chùm quả lại gần mà hái.
Cứ như một trò chơi trẻ con, chị Phối cầm kèo nèo hái từng chùm đưa vào cho tôi qua ô cửa sổ, tôi ở bên trong nhà lại gỡ chùm quả ra mắc vào thang gỗ, rồi lại đợi một chùm quả mới trên tay kèo đưa vào.
Vừa xếp, vừa bày, vừa ăn như đang chơi đồ hàng, vừa nhớ mùi hồng bì trong một trang sách đã đọc, “nó xộc vào mũi, hơi cay cay, thoáng một chút hăng hắc nhưng không đáo để như mùi vỏ cam, vỏ quất”.
Thứ mùi bí ẩn ấy thoảng nhanh qua khứu giác, đánh thức chút tình cảm ngủ yên trong sâu thẳm đáy lòng đã bao ngày.
Tôi chỉ bừng tỉnh khi nghe tiếng bạn và chị chủ nhà gọi bên dưới nhà sàn, nơi đám trẻ con đang ríu rít lao xao. Vội xuống cầu thang, đã thấy trên mặt bàn gỗ dăm chùm hồng bì vẫn còn nguyên cành lá.
< Chùm quất hồng bì vừa mới hái.
Chị Phối hỏi chừng đã đủ chưa. Tôi vừa khẽ khẽ nói chị bán cho em thêm nữa đi thì bạn quay ngay sang mắng, đừng có nói chuyện mua bán, đồng bào không thích thế đâu, có thích thì cho.
Chị Phối cũng cười cười bảo, quả goòng nhiều lắm, không ai ăn, có thích thì cho thôi. Dứt lời thì anh chồng mới đi ngoài ruộng về, vai đeo gùi, tay cầm dao, áo bảo hộ lao động ướt mồ hôi. Chị Phối nhờ anh lên cây hái cho nhanh.
Tôi bối rối quá, chưa kịp nghĩ xem mình muốn mang bao nhiêu chùm hồng bì về phố thì anh chồng thoắt cái đã ở trên cây cao, dùng dao chặt cả cành to như cổ tay, rồi từ từ thả xuống gốc. Mọi người vội vã ngắt những chùm quả lúc lỉu xếp lên bàn gỗ, cành nọ cành kia, thoáng cái đã đầy ắp một bàn.
< Bên ô cửa sổ nhà sàn mở ra cả khoảng trời Tây bắc.
Tôi vừa loay hoay giữa bàn hồng bì vừa hỏi chặt cành như thế có sao không thì anh bảo chặt đi cho cây lại mọc ra cành mới. Anh cũng dặn vợ đừng ngắt lá đi, để nguyên lá giữ cho quả được tươi ngon, rồi với sang dặn khách trước khi lại xách gùi ra ruộng, cô mang về nhớ để vào tủ lạnh, ăn sẽ lại càng ngon.
Đó có lẽ sẽ là những chùm hồng bì ngon nhất trong cuộc đời tôi từng thưởng thức. Ngọt ngào như tình cảm của đôi vợ chồng bên suối Mu dành cho khách đường xa. Cay cay như giọt nước mắt chực trào ra trên mi tôi khi đứng ngẩn ngơ trước một bàn hồng bì quà tặng. Chua chua, chát chát, đắng đắng như tình yêu tưởng đã quên rồi lại thức dậy trong mùi hồng bì...
Tôi đã không còn đếm nữa, những tháng ngày thương nhớ. Lúc này đây, tôi chỉ muốn được ngày đêm ngồi bên cửa sổ, nghe tiếng suối Mu chảy róc rách quanh nhà, vườn tược cây cối xanh um, tiếng gà quang quác gáy trưa, tiếng trẻ nhỏ nô đùa dưới sàn, tiếng lợn ụt ịt trong chuồng. Lòng không muốn rời đi...
Mùi hồng bì lại thoảng nhanh qua khứu giác. Trong cuộc đời này “có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau?”(*)...
(*)Thơ của tác giả Nguyễn Phong Việt
Post a Comment