Đồng Vân: Cánh đồng mây trắng
Có người hỏi tôi rằng “Ngoài biển ra, Sa Huỳnh có rừng để đi chơi không?”. Tôi chỉ tay lên dãy núi phía Tây Sa Huỳnh, bảo với họ rằng trên ấy có Hồ Cây Khế thơ mộng, có Suối Cây Sanh phát nguyên từ đại ngàn xa thẳm Trường Sơn, và có cả một cánh đồng mây trắng…
Ký ức miền thơ ấu
Hồi nhỏ, vào những buổi chiều hè, lũ trẻ làng chài chúng tôi thường tụm năm tụm ba ngoài đường, ngước nhìn lên dãy núi phía tây Sa Huỳnh – nơi đùn lên những lớp mây màu trắng bạc với đủ thứ hình dạng- rồi tha hồ tưởng tượng đó là tiên phật, thánh thần…Chúng tôi không hề biết gió thổi làm mây bay và đổi hình thay dạng trong chốc lát. Cứ thế mà đến nhá nhem tối, mẹ kêu váng cả xóm, chúng tôi mới chịu về nhà.
Khoảng trời nhiều mây đó là Đồng Vân. Và không hiểu sao tôi cứ “cả quyết” rằng Đồng Vân là cánh đồng chập chùng mây trắng la đà bay ngang những vạt đồi xanh. Và hình ảnh ấy đeo đẳng tôi đến tận bây giờ. Chẳng biết là do cỏ cây, đồi núi ở đó quá xanh nên mây buộc mình phải trắng, hay là do mây trắng đến độ khiến rừng núi, cỏ cây phải “rút ruột mà xanh?”.
Đường lên “cánh đồng mây”
Chuyến du lịch biển 2 ngày của vợ chồng một người bạn đến từ thành phố Quảng Ngãi đã chấm dứt. Họ nói đã “no” biển rồi và hỏi tôi: “Ngoài biển ra, Sa Huỳnh có rừng để đi chơi không?”. Tôi chỉ tay lên dãy núi phía tây Sa Huỳnh, bảo với họ rằng trên ấy có Hồ Cây Khế thơ mộng, có Suối Cây Sanh phát nguyên từ đại ngàn xa thẳm Trường Sơn, và có cả một cánh đồng mây trắng…
Đó là Đồng Vân, thôn “sơn cước” duy nhất của xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), cách thị trấn Sa Huỳnh khoảng 4 km đường chim bay, độ cao khoảng trên 200m so với mực nước biển. Lời giới thiệu có “mùi” chuyên nghiệp pha chút “lãng mạn” ấy đã khiến tôi trở thành “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho một tour du lịch… ngoài luồng.
Tôi mô tả: có hai con đường đến với Đồng Vân, dễ đi nhất là con đường bê tông uốn lượn dọc theo những triền đồi, đi xe máy chỉ mất khoảng 20 phút, và con đường thứ hai thì luôn thử thách đôi chân vì phải băng đồng, trèo đèo, lội suối. Thục Uyên (vợ của Vũ, bạn tôi) bảo, đi đường bê tông không có vẻ “lữ hành” tí nào. Vậy là chúng tôi lên Đồng Vân bằng “xe tự hành”.
Băng qua con đường mòn ngoằn ngoèo giữa cánh đồng xanh mướt, dài khoảng hơn cây số, chúng tôi ngồi nghỉ trên đỉnh dốc Cây Quăn để lấy sức cho hành trình vượt núi. Thục Uyên lôi máy ảnh ra ghi hình cánh đồng đang gợn sóng lúa xanh. Chợt cô reo lên, biển đẹp quá! Trời ạ, vừa mới nói là “no” biển, giờ lại rối rít khen biển đẹp! Nhưng Uyên đã có lý.
Từ độ cao khoảng 60m, nhìn xuống phía đông, thấy biển thật hiền, mặt biển như tấm thảm nhung màu xanh dương được viền bởi một dải lụa cát vàng thấp thoáng sau những vạt bông lau mỏng mảnh. Có lẽ biển ngàn năm vẫn mới nếu ta xê dịch ra xa để thay đổi góc nhìn, gần quá làm sao thấy được cái rộng dài của biển, tôi thầm nghĩ. Chúng tôi đi chậm hơn, cẩn thận đặt chân lên từng phiến đá mòn nhẵn để cảm nhận bàn chân nứt nẻ và lam lũ của người Đồng Vân bao đời nay xây làng dựng xóm. Mấy nếp nhà đầu thôn hiện ra, khói lam bay lên từ những mái bếp đang thổi cơm chiều, mùi thơm của khoai lang vùi trong tro nóng, chỗ lũ trẻ chăn trâu tụm nhau, hấp dẫn chúng tôi. Sà vào với đám trẻ, Uyên “xin” được mỗi người một củ.
Chúng tôi ngồi bệt trên vạt cỏ, dưới bóng mát của cây trâm già, tách củ khoai ăn từng chút một. Quên mất mình là người…“đẹp nhất” trong đoàn, Uyên để nguyên những giọt mồ hôi cùng vết tro trên má: “Về miền biển, ăn…khoai nướng thấy ngon quá chừng luôn”. Cỏ ven đường, đồng lúa, núi đồi trong hoàng hôn xanh sẫm. Từng cụm khói đốt đồng bay lên, lẫn vào mây trắng. Mà lạ, dưới Sa Huỳnh nhìn lên, thấy mây trắng quần tụ chính nơi này. Giờ lên đây, lại thấy mây trắng giăng lũy giăng thành ở tít tắp phía trời tây. Uyên hát nho nhỏ: cuối trời mây trắng bay…Tôi vào xóm liên hệ homestay (nghỉ lại nhà dân). Mờ sáng hôm sau, Uyên xuýt xoa với tôi và Vũ rằng đây là lần đầu tiên trong đời, cô có một đêm ngủ say trong hương rừng gió núi.
Chầm chậm sống và lặng lẽ đẹp
Đó là nhận xét của Vũ và Uyên sau gần 2 ngày “tương giao” với Đồng Vân. Nhịp sống “lặng lẽ nơi này” đã “chinh phục” cặp vợ chồng thị dân thành đạt .
Đồng Vân không tốc độ, không tiếng ồn, không bụi bặm, không khói xăng, không cả những con đường nhựa người xe nườm nượp như ở dưới kia nhưng có rất nhiều lối mòn nho nhỏ nối tình làng nghĩa xóm. Đi ngả nào cây lá cũng thân thiện khẽ chạm vai người.
Chúng tôi đến tham quan Hồ Cây Khế. Mặt hồ lặng lờ soi bóng mây trời. Cây lá đỏ, lá vàng um tùm viền quanh hồ, tiếng chim rừng gọi nhau ríu rít trong khúc nhạc gió núi miên man. Suối Cây Sanh gần đó rì rào mời gọi. Đầu xuân, dòng suối thon thả, uốn mình len lỏi chảy qua những gộp đá xanh rêu, tưới tắm những nương ngô, đồng lúa trước khi về với biển. Ngồi trên tảng đá bằng phẳng và mát lạnh, dưới bóng cây lộc vừng cổ thụ buông từng chùm hoa như những sợi tơ màu đỏ, nghe suối róc rách êm đềm, chúng tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm, rũ sạch phiền lo như chưa từng biết đến những toan tính, gấp gáp đời thường.
Nói đến Sa Huỳnh, có lẽ ai cũng nghĩ đến phía đông mênh mông trùng khơi, thênh thanh nắng gió, bãi cát vàng, hàng dương biêng biếc, những con sóng trắng ru bờ.
Đúng, nhưng chưa đủ, bởi Sa Huỳnh còn có Đồng Vân với cánh đồng mây trắng cuối trời tây. Nơi ấy, núi đồi trầm mặc, thiên nhiên trong xanh đang ôm ấp những nếp nhà tĩnh lặng, “chầm chậm sống”, rất phù hợp với những ai thích “cảm giác nhẹ”, muốn đi tìm những êm đềm trong không gian điền dã.
Ký ức miền thơ ấu
Hồi nhỏ, vào những buổi chiều hè, lũ trẻ làng chài chúng tôi thường tụm năm tụm ba ngoài đường, ngước nhìn lên dãy núi phía tây Sa Huỳnh – nơi đùn lên những lớp mây màu trắng bạc với đủ thứ hình dạng- rồi tha hồ tưởng tượng đó là tiên phật, thánh thần…Chúng tôi không hề biết gió thổi làm mây bay và đổi hình thay dạng trong chốc lát. Cứ thế mà đến nhá nhem tối, mẹ kêu váng cả xóm, chúng tôi mới chịu về nhà.
Khoảng trời nhiều mây đó là Đồng Vân. Và không hiểu sao tôi cứ “cả quyết” rằng Đồng Vân là cánh đồng chập chùng mây trắng la đà bay ngang những vạt đồi xanh. Và hình ảnh ấy đeo đẳng tôi đến tận bây giờ. Chẳng biết là do cỏ cây, đồi núi ở đó quá xanh nên mây buộc mình phải trắng, hay là do mây trắng đến độ khiến rừng núi, cỏ cây phải “rút ruột mà xanh?”.
Đường lên “cánh đồng mây”
Chuyến du lịch biển 2 ngày của vợ chồng một người bạn đến từ thành phố Quảng Ngãi đã chấm dứt. Họ nói đã “no” biển rồi và hỏi tôi: “Ngoài biển ra, Sa Huỳnh có rừng để đi chơi không?”. Tôi chỉ tay lên dãy núi phía tây Sa Huỳnh, bảo với họ rằng trên ấy có Hồ Cây Khế thơ mộng, có Suối Cây Sanh phát nguyên từ đại ngàn xa thẳm Trường Sơn, và có cả một cánh đồng mây trắng…
Đó là Đồng Vân, thôn “sơn cước” duy nhất của xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), cách thị trấn Sa Huỳnh khoảng 4 km đường chim bay, độ cao khoảng trên 200m so với mực nước biển. Lời giới thiệu có “mùi” chuyên nghiệp pha chút “lãng mạn” ấy đã khiến tôi trở thành “hướng dẫn viên” bất đắc dĩ cho một tour du lịch… ngoài luồng.
Tôi mô tả: có hai con đường đến với Đồng Vân, dễ đi nhất là con đường bê tông uốn lượn dọc theo những triền đồi, đi xe máy chỉ mất khoảng 20 phút, và con đường thứ hai thì luôn thử thách đôi chân vì phải băng đồng, trèo đèo, lội suối. Thục Uyên (vợ của Vũ, bạn tôi) bảo, đi đường bê tông không có vẻ “lữ hành” tí nào. Vậy là chúng tôi lên Đồng Vân bằng “xe tự hành”.
Băng qua con đường mòn ngoằn ngoèo giữa cánh đồng xanh mướt, dài khoảng hơn cây số, chúng tôi ngồi nghỉ trên đỉnh dốc Cây Quăn để lấy sức cho hành trình vượt núi. Thục Uyên lôi máy ảnh ra ghi hình cánh đồng đang gợn sóng lúa xanh. Chợt cô reo lên, biển đẹp quá! Trời ạ, vừa mới nói là “no” biển, giờ lại rối rít khen biển đẹp! Nhưng Uyên đã có lý.
Từ độ cao khoảng 60m, nhìn xuống phía đông, thấy biển thật hiền, mặt biển như tấm thảm nhung màu xanh dương được viền bởi một dải lụa cát vàng thấp thoáng sau những vạt bông lau mỏng mảnh. Có lẽ biển ngàn năm vẫn mới nếu ta xê dịch ra xa để thay đổi góc nhìn, gần quá làm sao thấy được cái rộng dài của biển, tôi thầm nghĩ. Chúng tôi đi chậm hơn, cẩn thận đặt chân lên từng phiến đá mòn nhẵn để cảm nhận bàn chân nứt nẻ và lam lũ của người Đồng Vân bao đời nay xây làng dựng xóm. Mấy nếp nhà đầu thôn hiện ra, khói lam bay lên từ những mái bếp đang thổi cơm chiều, mùi thơm của khoai lang vùi trong tro nóng, chỗ lũ trẻ chăn trâu tụm nhau, hấp dẫn chúng tôi. Sà vào với đám trẻ, Uyên “xin” được mỗi người một củ.
Chúng tôi ngồi bệt trên vạt cỏ, dưới bóng mát của cây trâm già, tách củ khoai ăn từng chút một. Quên mất mình là người…“đẹp nhất” trong đoàn, Uyên để nguyên những giọt mồ hôi cùng vết tro trên má: “Về miền biển, ăn…khoai nướng thấy ngon quá chừng luôn”. Cỏ ven đường, đồng lúa, núi đồi trong hoàng hôn xanh sẫm. Từng cụm khói đốt đồng bay lên, lẫn vào mây trắng. Mà lạ, dưới Sa Huỳnh nhìn lên, thấy mây trắng quần tụ chính nơi này. Giờ lên đây, lại thấy mây trắng giăng lũy giăng thành ở tít tắp phía trời tây. Uyên hát nho nhỏ: cuối trời mây trắng bay…Tôi vào xóm liên hệ homestay (nghỉ lại nhà dân). Mờ sáng hôm sau, Uyên xuýt xoa với tôi và Vũ rằng đây là lần đầu tiên trong đời, cô có một đêm ngủ say trong hương rừng gió núi.
Chầm chậm sống và lặng lẽ đẹp
Đó là nhận xét của Vũ và Uyên sau gần 2 ngày “tương giao” với Đồng Vân. Nhịp sống “lặng lẽ nơi này” đã “chinh phục” cặp vợ chồng thị dân thành đạt .
Đồng Vân không tốc độ, không tiếng ồn, không bụi bặm, không khói xăng, không cả những con đường nhựa người xe nườm nượp như ở dưới kia nhưng có rất nhiều lối mòn nho nhỏ nối tình làng nghĩa xóm. Đi ngả nào cây lá cũng thân thiện khẽ chạm vai người.
Chúng tôi đến tham quan Hồ Cây Khế. Mặt hồ lặng lờ soi bóng mây trời. Cây lá đỏ, lá vàng um tùm viền quanh hồ, tiếng chim rừng gọi nhau ríu rít trong khúc nhạc gió núi miên man. Suối Cây Sanh gần đó rì rào mời gọi. Đầu xuân, dòng suối thon thả, uốn mình len lỏi chảy qua những gộp đá xanh rêu, tưới tắm những nương ngô, đồng lúa trước khi về với biển. Ngồi trên tảng đá bằng phẳng và mát lạnh, dưới bóng cây lộc vừng cổ thụ buông từng chùm hoa như những sợi tơ màu đỏ, nghe suối róc rách êm đềm, chúng tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm, rũ sạch phiền lo như chưa từng biết đến những toan tính, gấp gáp đời thường.
Nói đến Sa Huỳnh, có lẽ ai cũng nghĩ đến phía đông mênh mông trùng khơi, thênh thanh nắng gió, bãi cát vàng, hàng dương biêng biếc, những con sóng trắng ru bờ.
Đúng, nhưng chưa đủ, bởi Sa Huỳnh còn có Đồng Vân với cánh đồng mây trắng cuối trời tây. Nơi ấy, núi đồi trầm mặc, thiên nhiên trong xanh đang ôm ấp những nếp nhà tĩnh lặng, “chầm chậm sống”, rất phù hợp với những ai thích “cảm giác nhẹ”, muốn đi tìm những êm đềm trong không gian điền dã.
Post a Comment