Xóm Vũng Me
Từ quốc lộ 1 rẽ ngã ba Trung Trinh (xã Xuân Phương, TX Sông Cầu) đi vòng qua vịnh Xuân Đài, chạy dọc từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng La là đến Vũng Me. So với các vũng này thì Vũng Me thuộc diện vùng sâu vùng xa vì phải qua đoạn đường rừng núi dài 5 cây số. Khi đến cuối Vũng Chào vượt đèo lên núi Đại Hàn, đến giữa khu rừng gặp ngã ba rẽ phải vòng theo eo núi đá thì mới xuống Vũng Me…
Xóm nhà ở Vũng Me nằm trải dài bên bãi rạng. Giữa xóm nhà hướng ra biển gần 100m có một hòn đá dựng đứng nhô lên cao, người quanh vùng gọi là Hòn Nhàn. Từ Hòn Nhàn ngược vô đường bê tông (viền theo xóm nhà) có những tảng đá to bằng cái sàng, cái nong nhô lên khỏi mặt nước chắp lại với nhau giống như cây cầu gãy từng đoạn nối từ xóm nhà ra Hòn Nhàn.
Buổi chiều khi con nước ròng, nước biển ở Vũng Me trong vắt sóng vỗ nhẹ dập dờn, dưới ánh nắng xế, bãi rạng dưới chân Hòn Nhàn ánh lên sắc màu của đá. Ông Triều Văn Tiến (70 tuổi), một người dân Vũng Me cho hay, sở dĩ nơi đây gọi là Hòn Nhàn vì tảng đá giống như người ngày đêm ngồi ngắm biển.
Phong cảnh Vũng Me nhìn nên thơ, nhàn hạ nhưng con người thì rất hối hả. Trưa tròn bóng, ông Bùi Văn Năm lắc thúng chai từ bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me về cập vào bãi rạng. Kéo thúng lên bờ, ông chồng hai cái rổ nhựa (đựng thức ăn tôm hùm) chất trong chiếc gióng, xỏ đòn gánh vào đưa lên vai gánh một đầu hai cái rổ nhựa phía sau lưng, đầu trước ông đè cánh tay cho đòn gánh chúi xuống, rồi bước nhanh lên đường bê tông đi về. Ông Năm nói: “Ở đây làm luôn trưa luôn tối, lúc tôm còn nhỏ thì cho ăn dặm, khi tôm “trộng” (cỡ 0,4-0,5kg/con) thì cho ăn dày để tôm mau lớn. Giá tôm hùm 1,5 triệu đồng/kg, nuôi cỡ 100 con bán thành phẩm cũng ấm túi”.
Người dân Vũng Me sống với tình làng nghĩa xóm thảo thơm. Trưa, chúng tôi đi qua xóm nhà, trước hàng ba, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên bữa cơm trưa, thấy người lạ ai cũng mở lời thân mật sẵn bữa mời ăn cơm.
Chúng tôi vào nhà ông Trần Thức ở cạnh bãi rạng. Có khách lạ đến nhà, ông lấy cái ấm điện “siêu tốc” nấu nước chế bình trà. Ngồi xếp bằng trên bộ phản gỗ, nhâm nhi ly trà, ông Thức chia sẻ: Ở đây là vùng biển nên người dân sống đủ nghề phù hợp. Tôi có hai người con, một trai một gái. Đứa con trai lớn năm rồi lập gia đình cất nhà kề bên, tôi cho đứt nó cái bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me để vợ chồng có vốn lo cái “nồi riêng”. Còn tôi và đứa con gái hàng ngày lắc thúng chai vòng qua Hòn Nhàn ngược lên chỗ tiếp giáp giữa Vũng Me với Vũng La nuôi ốc hương.
Theo ông Thức, nghề nuôi ốc hương ở Vũng Me có 2 loại là nuôi trong ao đìa và nuôi chắn đăng. Nuôi trong ao đìa thì gần bờ vịnh, còn nuôi chắn đăng thì dùng đăng vùng tiếp giáp với biển. Thời gian qua, nuôi chắn đăng “tuột tay” vì ốc chết, còn nuôi đìa lại thắng lớn. Nguyên nhân là nuôi chắn đăng ngoài biển nước ô nhiễm ngâm trực tiếp vào chắn đăng lâu ngày, ốc hương chịu không nổi, thò vòi ra và chết sạch. Còn nuôi trong ao đìa thì ngăn ao xử lý nước trước khi xả vào, đảm bảo an toàn dịch bệnh nên vùng này hiện đang thịnh nghề nuôi ốc hương trong ao đìa.
Ồng Thức phân tích: “Theo kinh nghiệm của tôi, đừng ham nuôi dày mà phải nuôi thưa mới có ăn. Cỡ 10 vạn con ốc thả nuôi 1,5 sào, ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì “sai 15” (tức là 150 con/kg), sẽ ẵm gần tấn ốc thành phẩm, giá 210.000đồng/kg, doanh thu trên 200 triệu đồng”.
Vũng Me cũng là xứ sở của dừa. Theo nhiều người dân trong xóm, dừa có từ lâu đời, từ thời cha ông trồng để lại, thế hệ con cháu ở đây bao năm qua ra sức nuôi dừa. Dừa nối vòng tay bao bọc quanh xóm nhà, dừa trồng ngăn cách lối đi, làm hàng rào. Có cây dừa cao tuổi dựa lưng vào tường rào rợp mát một góc phía sau mé hè. Ở Vũng Me, tài sản dưới nước của dân là tôm hùm, ốc hương còn gia tài trên bờ là dừa. Nhiều năm qua, người dân ở đây bám làng, bám biển đầu tư nuôi trồng thủy hải sản tạo nguồn thu nhập, phát triển cuộc sống gia đình.
Có một điều lạ là Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào đều nằm sâu trong vịnh Xuân Đài, riêng Vũng Me lại tiếp giáp với biển. Đứng ở Vũng Me nhìn về hướng tây thì thấy rõ biển Gành Đỏ (phường Xuân Đài), còn nhìn về hướng đông nam thì thấy gành Đá Đĩa, đảo Lao Mái Nhà (huyện Tuy An)… phong cảnh thật hữu tình, xinh đẹp.
Xóm nhà ở Vũng Me nằm trải dài bên bãi rạng. Giữa xóm nhà hướng ra biển gần 100m có một hòn đá dựng đứng nhô lên cao, người quanh vùng gọi là Hòn Nhàn. Từ Hòn Nhàn ngược vô đường bê tông (viền theo xóm nhà) có những tảng đá to bằng cái sàng, cái nong nhô lên khỏi mặt nước chắp lại với nhau giống như cây cầu gãy từng đoạn nối từ xóm nhà ra Hòn Nhàn.
Buổi chiều khi con nước ròng, nước biển ở Vũng Me trong vắt sóng vỗ nhẹ dập dờn, dưới ánh nắng xế, bãi rạng dưới chân Hòn Nhàn ánh lên sắc màu của đá. Ông Triều Văn Tiến (70 tuổi), một người dân Vũng Me cho hay, sở dĩ nơi đây gọi là Hòn Nhàn vì tảng đá giống như người ngày đêm ngồi ngắm biển.
Phong cảnh Vũng Me nhìn nên thơ, nhàn hạ nhưng con người thì rất hối hả. Trưa tròn bóng, ông Bùi Văn Năm lắc thúng chai từ bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me về cập vào bãi rạng. Kéo thúng lên bờ, ông chồng hai cái rổ nhựa (đựng thức ăn tôm hùm) chất trong chiếc gióng, xỏ đòn gánh vào đưa lên vai gánh một đầu hai cái rổ nhựa phía sau lưng, đầu trước ông đè cánh tay cho đòn gánh chúi xuống, rồi bước nhanh lên đường bê tông đi về. Ông Năm nói: “Ở đây làm luôn trưa luôn tối, lúc tôm còn nhỏ thì cho ăn dặm, khi tôm “trộng” (cỡ 0,4-0,5kg/con) thì cho ăn dày để tôm mau lớn. Giá tôm hùm 1,5 triệu đồng/kg, nuôi cỡ 100 con bán thành phẩm cũng ấm túi”.
Người dân Vũng Me sống với tình làng nghĩa xóm thảo thơm. Trưa, chúng tôi đi qua xóm nhà, trước hàng ba, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên bữa cơm trưa, thấy người lạ ai cũng mở lời thân mật sẵn bữa mời ăn cơm.
Chúng tôi vào nhà ông Trần Thức ở cạnh bãi rạng. Có khách lạ đến nhà, ông lấy cái ấm điện “siêu tốc” nấu nước chế bình trà. Ngồi xếp bằng trên bộ phản gỗ, nhâm nhi ly trà, ông Thức chia sẻ: Ở đây là vùng biển nên người dân sống đủ nghề phù hợp. Tôi có hai người con, một trai một gái. Đứa con trai lớn năm rồi lập gia đình cất nhà kề bên, tôi cho đứt nó cái bè nuôi tôm hùm giữa Vũng Me để vợ chồng có vốn lo cái “nồi riêng”. Còn tôi và đứa con gái hàng ngày lắc thúng chai vòng qua Hòn Nhàn ngược lên chỗ tiếp giáp giữa Vũng Me với Vũng La nuôi ốc hương.
Theo ông Thức, nghề nuôi ốc hương ở Vũng Me có 2 loại là nuôi trong ao đìa và nuôi chắn đăng. Nuôi trong ao đìa thì gần bờ vịnh, còn nuôi chắn đăng thì dùng đăng vùng tiếp giáp với biển. Thời gian qua, nuôi chắn đăng “tuột tay” vì ốc chết, còn nuôi đìa lại thắng lớn. Nguyên nhân là nuôi chắn đăng ngoài biển nước ô nhiễm ngâm trực tiếp vào chắn đăng lâu ngày, ốc hương chịu không nổi, thò vòi ra và chết sạch. Còn nuôi trong ao đìa thì ngăn ao xử lý nước trước khi xả vào, đảm bảo an toàn dịch bệnh nên vùng này hiện đang thịnh nghề nuôi ốc hương trong ao đìa.
Ồng Thức phân tích: “Theo kinh nghiệm của tôi, đừng ham nuôi dày mà phải nuôi thưa mới có ăn. Cỡ 10 vạn con ốc thả nuôi 1,5 sào, ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì “sai 15” (tức là 150 con/kg), sẽ ẵm gần tấn ốc thành phẩm, giá 210.000đồng/kg, doanh thu trên 200 triệu đồng”.
Vũng Me cũng là xứ sở của dừa. Theo nhiều người dân trong xóm, dừa có từ lâu đời, từ thời cha ông trồng để lại, thế hệ con cháu ở đây bao năm qua ra sức nuôi dừa. Dừa nối vòng tay bao bọc quanh xóm nhà, dừa trồng ngăn cách lối đi, làm hàng rào. Có cây dừa cao tuổi dựa lưng vào tường rào rợp mát một góc phía sau mé hè. Ở Vũng Me, tài sản dưới nước của dân là tôm hùm, ốc hương còn gia tài trên bờ là dừa. Nhiều năm qua, người dân ở đây bám làng, bám biển đầu tư nuôi trồng thủy hải sản tạo nguồn thu nhập, phát triển cuộc sống gia đình.
Có một điều lạ là Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào đều nằm sâu trong vịnh Xuân Đài, riêng Vũng Me lại tiếp giáp với biển. Đứng ở Vũng Me nhìn về hướng tây thì thấy rõ biển Gành Đỏ (phường Xuân Đài), còn nhìn về hướng đông nam thì thấy gành Đá Đĩa, đảo Lao Mái Nhà (huyện Tuy An)… phong cảnh thật hữu tình, xinh đẹp.
Post a Comment